Đái tháo đường (ĐTĐ) típ 2 không còn là câu chuyện cá nhân mà đã trở thành một vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nghiêm trọng tại các nước đang phát triển - nơi hạ tầng y tế, điều kiện kinh tế và nhận thức cộng đồng còn nhiều hạn chế. Cá thể hoá điều trị ĐTĐ típ 2, xu hướng thiết yếu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát bệnh và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm.
Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cá thể hóa điều trị đái tháo đường típ 2 theo điều kiện các nước đang phát triển” do Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Hội Y học Thành phố Hồ Chí Minh, Liên chi Hội Đái tháo đường, Nội tiết Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức vừa qua đã mang đến nhiều thông tin hữu ích, góp phần tăng cường hiệu quả chuyên môn cho nhân viên y tế.
Hội thảo với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế đến từ 14 bệnh viện trên cả nước, dưới cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều thách thức trong quản lý đái tháo đường típ 2
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bích Đào - Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM cho biết: Với tốc độ gia tăng nhanh chóng và những biến chứng phức tạp, việc quản lý hiệu quả bệnh ĐTĐ típ 2 đòi hỏi các bác sĩ phải tiếp cận người bệnh với một lăng kính toàn diện và linh hoạt. Điều này càng trở nên cấp thiết tại các quốc gia đang phát triển, nơi đa số bệnh nhân ĐTĐ típ 2 không được phát hiện sớm, điều trị muộn và gặp rào cản lớn về kinh phí lẫn tuân thủ điều trị.
Thực tế cho thấy, mặc dù có nhiều tiến bộ trong y học với sự ra đời của các nhóm thuốc mới mang lại hiệu quả cao, giảm biến chứng (đặc biệt là biến chứng tim mạch, thận), nhưng việc kiểm soát đường huyết cho người bệnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người bệnh đạt mục tiêu HbA1c (dưới 7%) còn thấp, thậm chí chỉ đạt khoảng 50% ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ người bệnh tiếp cận được với các điều trị tối ưu còn ít, gia tăng biến chứng, mức độ bệnh tật và tử vong là 1 con số đáng báo động, gánh nặng lớn cho xã hội. Bên cạnh đó, các yếu tố ảnh hướng tới hiệu quả điều trị còn cần kể tới như: Tuân thủ điều trị, chế độ sinh hoạt ăn uống, tập luyện; khả năng tiếp cận với các thuốc mới điều trị hiệu quả nhưng giá thành cao; phác đồ điều trị kết hợp nhiều loại thuốc đòi hỏi sự hiểu biết, tuân thủ cao từ phía người bệnh…
BSCKII Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, người bệnh Việt Nam điều trị bệnh ĐTĐ típ 2 dùng thuốc hay không dùng thuốc sẽ vẫn cần phải cá thể hóa điều trị. Đối với từng cá thể người bệnh sẽ lựa chọn hỗ trợ giáo dục về bệnh khác nhau và loại thuốc khác nhau. Người bệnh mong muốn thuốc hiệu quả, chi phí thấp, sẵn có, ít tác dụng phụ với số lần sử dụng tối thiểu, phòng ngừa được biến chứng. Hệ thống y tế cần bảo đảm cung cấp đầy đủ, liên tục các nguồn thuốc thiết yếu, đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý mà người bệnh có thể chi trả được. Bác sỹ cần nắm rõ tình trạng bệnh, đồng thời thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh của người bệnh để đưa ra pháp đồ phù hợp giúp người bệnh đạt mục tiêu điều trị, giảm các biến chứng.
Cá thể hoá điều trị không chỉ nằm ở việc chọn đúng mục tiêu, đúng thuốc, mà còn là nghệ thuật phối hợp nhiều phương pháp: Từ điều chỉnh chế độ ăn, tập luyện đến hỗ trợ tâm lý, tư vấn và giáo dục người bệnh. “Đừng xem nhẹ việc giáo dục người bệnh. Khi người bệnh hiểu được bản chất bệnh lý và vai trò của từng loại thuốc, họ sẽ hợp tác điều trị tốt hơn. Nhiều đơn thuốc người bệnh không uống mà chỉ bỏ vào sọt rác, đơn giản vì người bệnh không hiểu,” TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm.
Công nghệ - chất xúc tác cho điều trị cá thể hoá
Để đạt được mục tiêu điều trị ĐTĐ típ 2 phụ thuộc nhiều yếu tố. Với thời đại công nghệ số phát triển, nhiều tiến bộ đã đưa đến những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý bệnh ĐTĐ, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình điều trị với cả bác sĩ và người bệnh.
Từ thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM), bút tiêm insulin thông minh/hệ thống bơm insulin liên tục dưới da, ứng dụng di động (Mobile Apps), y học từ xa (Telemedicine) hỗ trợ quản lý sức khoẻ đến trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán, dự đoán các biến chứng… Các chuyên gia nhận định, công nghệ có thể giúp cải thiện việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân, nâng cao kiến thức về bệnh, và hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định nhanh chóng, chính xác dựa trên dữ liệu đầy đủ.
Tuy nhiên, việc triển khai và tiếp cận công nghệ tại các nước phát triển nói chung và Việt Nam còn không ít rào cản. Nhiều thiết bị và nền tảng công nghệ hiện đại vẫn còn đắt đỏ đối với đa số người bệnh và hệ thống y tế, phức tạp với những người bệnh lớn tuổi. Vì vậy, mỗi quốc gia cần có các chương trình đào tạo, kho dữ liệu và nghiên cứu địa phương để xây dựng các ứng dụng phù hợp.
“Một điều quan trọng nữa là cần đảm bảo công bằng trong tiếp cận công nghệ. Trong tương lai, nếu làm được điều đó, người bệnh sẽ được hưởng lợi nhiều hơn”, TS. BS Trần Viết Thắng - Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhấn mạnh.
Khép lại hội thảo, các chuyên gia, bác sĩ đều bày tỏ kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của công nghệ y tế tại Việt Nam trong tương lai gần. Sự kết hợp giữa y học hiện đại, giáo dục, công nghệ và sự hợp tác chặt chẽ giữa bác sĩ, người bệnh và các đối tác sẽ là chìa khóa để cải thiện chất lượng sống giảm gánh nặng do ĐTĐ típ 2 gây ra.